Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

TOẠ ĐÀM SỐT XUẤT HUYẾT

TOẠ ĐÀM SỐT XUẤT HUYẾT
Thạc sĩ- Bác Sĩ Lâm Thị Kim Ngọc

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì? Tình hình mắc  SXH tại BVSN hiện nay như thế nào?

Sốt xuất huyết Duengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, virus Dengue được chia làm 4 tuýp : tuýp 1, tuýp 2, tuýp 3 và tuýp 4; Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian một loài muỗi có tên là Muỗi Ades Agypty ( còn gọi là Muỗi vằn), chúng gây bệnh bằng cách chích hút máu người bệnh truyền sang người lành và sau thời gian ủ bệnh 3-7 ngày có thể biểu hiện sốt xuất huyết.
Bệnh xãy ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa, bởi vì mùa mưa là cơ hội cho Muỗi sinh sôi nảy nở.
Tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản-Nhi cho đến thời điểm hiện nay rất may là chưa diễn biến thành dịch như ở một số nơi khác. Tính từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2015 chúng tôi chỉ tiếp nhận và điều trị khoảng 40 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó số ca bị sốt xuất huyết Dengue nặng là 6 trường hợp, và rất đáng mừng 6 ca này tất cả được điều trị khỏi và cho xuất viện.

Trẻ em có những triệu chứng như thế nào thì nghi ngờ Sốt xuất huyết?

Bệnh Sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Vì vậy cần lưu ý khi trẻ có một trong các triệu chứng sau thì nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết:
- Trẻ đang khỏe mạnh, đột ngột sốt cao từ 39- 40 độ C, liên tục từ 2 ngày trở lên.
- Xuất huyết dưới nhiều dạng: chấm xuất huyết, mảng bầm dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, tiêu phân đen...
- Đau bụng vùng hạ sườn phải hay còn gọi là đau vùng gan.
- Tay chân lạnh, vả mồ hôi, da nổi bông...
Khi có một trong các triệu chứng trên bà con nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm chẩn đoán trẻ có bị sốt xuất huyết hay không, từ đó có kế hoạch điều trị thích hợp.

Việc phân chia sốt xuất huyết thành 3 mức độ như hiện nay có ý nghĩa như thế nào?

Đúng là sốt xuất huyết trước kia được chia thành 4 độ: độ 1, độ 2, độ 3, độ 4. Nhưng từ năm 2009 đến nay, theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới sốt xuất huyết chia thành 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, Sốt xuất huyết Dengue nặng.
Việc phân chia làm 3 mức độ như hiện nay có ý nghĩa trong việc điều trị nhằm khắc phục được một số hạn chế của việc phân chia theo mức độ cũ chỉ dựa vào huyết động học là chính như: Mạch, Huyết áp...Vì vậy sẽ bỏ sót nhiều trường hợp nặng như: xuất huyết nặng, suy đa tạng, viêm gan, viêm cơ tim...Đồng thời việc phân chia như hiện nay sẽ giúp các Bác sĩ có cái nhìn bao quát hơn, có thái độ xử trí đúng và phù hợp với từng mức độ bệnh. Từ đó có thể chia bệnh ra 3 nhóm:
-       Nhóm có thể cho về nhà, điều trị ngoại trú.
-       Nhóm cần nhập viện để theo dõi
-       Nhóm phải nhập khoa hồi sức tích cực.

Bệnh SXH có diễn biến khó lường và biến chứng nguy hiểm. Giai đoạn nào là nguy hiểm nhất đối với bệnh SXH?

Không phải tất cả bệnh sốt xuất huyết đều nặng, có nhiều trường hợp sốt xuất huyết tự khỏi sau 7 ngày mà không để lại di chứng gì, tuy nhiên cũng có những trường hợp bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường và gây nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Theo nhiều nghiên cứu và từ thực tế lâm sàng cho thấy giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh xảy ra tình trạng thất thoát huyết tương nhiều nhất, tương ứng với giai đoạn này bệnh sẽ dễ diễn tiến nặng nhất như: sốc, trụy mạch, xuất huyết nặng, suy đa tạng...Vì vậy đối với bệnh Sốt xuất huyết giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh phải được theo dõi sát để kịp thời phát hiện những dấu hiệu trở nặng để xử trí phù hợp tránh tử vong cho trẻ.

Việc điều trị SXH tại BV Sản Nhi TV được thực hiện như thế nào?
Như đã thông tin ở trên là cho đến thời điểm hiện nay bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện Sản- Nhi chưa đến mức báo động, tuy nhiên không vì thế mà công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở đây trở nên lơ là. Dưới sự chỉ đạo của Sở Y Tế và Ban giám đốc bệnh viện chúng tôi luôn trong tư thế chuẩn bị để đối phó với bệnh sốt xuất huyết như:
- Về chuyên môn: hầu hết các bác sĩ nhi đều được tập huấn phác đồ chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y Tế.
- Về thuốc men và trang thiết bị như: dịch truyền, bơm tiêm tự động, CPAP, máy thở...cũng được trang bị khá đầy đủ.
Việc trang bị như thế giúp chúng tôi chủ động hơn khi chẳng may có dịch sốt xuất huyết xảy ra sẽ kịp thời ứng phó và có thể điều trị được những ca sốt xuất huyết nặng tránh phải chuyển lên tuyến trên.